Giá trị và bài học cuộc sống của kỹ năng lắng nghe
Mặc dù anh có thể thấy những mảnh đá vụn còn bám trên tóc của người lính cứu hỏa, và để ý thấy hai bàn tay anh ấy rớm máu, nhưng điều khiến anh choáng váng nhất là ánh mắt của người lính đó. Đôi mắt vô hồn và trống rỗng.
Khi còn bé thơ, chúng ta được dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Và càng nói nhiều thì đó là dấu hiệu phát triển bình thường. Nhưng ít khi nào chúng ta được dạy phải biết lắng nghe. Và phần nhiều, cha mẹ, thầy cô, các bậc phụ huynh, v.v… không để tâm nhiều đến chuyện dạy dỗ cách biết lắng nghe. Tất nhiên, cha mẹ hay các thầy cô có dạy mình phải biết nghe lời. Nhưng ít khi chúng ta được dạy kỹ năng lắng nghe sao cho hiệu quả.
Người Mỹ dùng chữ “listening deeply” (nghe thật sâu) nghĩa là, chỉ mới biểu lộ thiện chí muốn nghe chứ không có thái độ toàn tâm, toàn ý khi nghe. Còn chữ “lắng nghe” của người Việt được hiểu rất hay, phải “lắng” thì mới “nghe” được. Chữ “lắng” ở đây là để cho lòng mình yên tĩnh, không để những mưu cầu hay chống đối làm phân tâm. Còn chữ “nghe” là đặt mình trong hoàn cảnh của đối tượng. Hiểu theo nghĩa này thì “lắng nghe” là lắng mình xuống, không suy tư, không cố chấp, buông bỏ mọi thành kiến hay những phiền muộn trong tâm để nghe người khác với tất cả lòng thành. Vì thế, “nghe thật sâu” của người Mỹ không mạnh bằng ý nghĩa “lắng nghe” của người Việt.
Sức mạnh to lớn của việc lắng nghe trong giao tiếp
Biết lắng nghe là nhịp cầu nối đầu tiên cho sự hiểu biết, cảm thông.
Khi chúng ta biết lắng nghe, bạn nhận lại từ người giao tiếp của bạn sự kính trọng, thái độ đồng cảm của bạn.
Bạn nhận được nhiều lời khuyên chân thành, nhận được từ trái tim của khách hàng…
Nếu chúng ta có kỹ năng lắng nghe hiệu quả, chúng ta biết tôn trọng ý tưởng của người nói và lắng nghe cho kỹ những nỗi khổ đau mà họ đang trải nghiệm, thì công sức lắng nghe của mình sẽ chắc chắn mang lại một kết quả tốt và có thể sẽ làm vơi đi nỗi khổ của người.
Là chìa khóa để ta mở các cánh cửa của cuộc đời. Người cầm chìa khóa là Bạn, hãy mở các cánh cửa mà bạn khó mở nhất, chìa khóa lắng nghe để đạt hiệu quả trong giao tiếp.
Chúng ta chỉ cần vài năm để học nói còn lắng nghe thì phải học cả đời.
Câu chuyện về kỹ năng lắng nghe của một người thợ điện
Tôi từng nhận được thư của một phụ nữ sống ở New York. Bà giải thích rằng anh con trai 22 tuổi của bà, làm nghề thợ điện, tuần trước đã tới Manhattan.
Có lẽ Joe đã giúp được người khác theo một cách mà anh không hề dự tính. Khi lên chuyến tàu về nhà, anh ngồi đối diện với một người lính cứu hỏa kiệt sức, người bám đầy bụi đất. Mặc dù anh có thể thấy những mảnh đá vụn còn bám trên tóc của người lính cứu hỏa, và để ý thấy hai bàn tay anh ấy rớm máu, nhưng điều khiến anh choáng váng nhất là ánh mắt của người lính đó. Đôi mắt vô hồn và trống rỗng.
Thế rồi, một cách hoàn toàn tự nhiên, người lính cứu hỏa bắt đầu nói và Joe cứ nghe. Người lính đó kể về những lần làm nhiệm vụ cứu hộ, đặc biệt ở những nơi có thảm họa, có khủng bố.
Anh ấy kể về việc phải lôi từ đống đổ nát ra những con người không còn ra hình thù gì nữa, hoặc nhặt được một chiếc giày mà trong đó có cả những ngón chân. Joe lắng nghe.
Anh ấy kể về việc cố lau sạch vôi vữa ra khỏi một khuôn mặt với hy vọng cứu sống được một người, để rồi nhận ra rằng thân người đó không còn toàn vẹn. Joe vẫn lắng nghe.
Và trong khi lắng nghe, Joe không phản ứng. Joe không tỏ vẻ ghê sợ. Joe không nghi ngờ, không thủ thế, không lùi lại, không xin lỗi để đi chỗ khác. Joe không phán xét. Joe không ngắt lời. Anh chỉ ngồi đó, lắng nghe và thấu hiểu.
Anh lắng nghe người lính cứu hỏa nói về một vụ khủng bố, và những tai nạn khủng khiếp ở khắp nơi, và về những chiếc giày… có rất nhiều những chiếc giày, anh ấy nói.
Ở khắp mọi nơi… những chiếc giày. Joe vẫn lặng lẽ dồn toàn bộ sự chú ý của mình cho người lính cứu hỏa và lắng nghe – và đó chính là điều mà anh ấy cần vào thời điểm đó. Và vì Joe lắng nghe, nên anh ấy tiếp tục nói.
Anh ấy nói ra những nỗi đau của mình, nhiều hết mức có thể. Và Joe, ít nhất là trong lúc đó, đã giúp anh lính cứu hỏa mang bớt gánh nặng không thể tin nổi của anh ấy.
Khi tàu dừng lại, anh lính cứu hỏa bắt tay Joe, bằng bàn tay lấm lem của mình, và cảm ơn Joe. Anh ấy nói rằng nếu không có một người để chia sẻ ngày hôm ấy, rất có thể anh ấy sẽ bỏ công việc đang làm, vì cảm thấy không thể chịu đựng thêm được nữa.
Ngày hôm đó, Joe không hiến máu, cũng không dùng các kỹ năng về điện của mình để giúp ai trong thảm họa. Nhưng anh đã làm một trong những điều quan trọng nhất mà một con người có thể làm cho người khác. Anh đã dành toàn bộ sự chú ý của mình cho một người đang ngã lòng và mất phương hướng, và bằng cách ấy, Joe đã giúp cho người đó như tìm lại được đường đi của mình.
4 gợi ý giúp bạn cải thiện kỹ năng lắng nghe hiệu quả
Mặc dù quá trình rèn luyện cần thời gian để đạt được những hiệu quả cao nhất, nhưng những gợi ý nhỏ dưới đây sẽ một phần giúp bạn cải thiện kỹ năng lắng nghe của mình với các thành viên trong nhóm nói riêng, và với những người xung quanh nói chung.
Thể hiện sự quan tâm
Hãy để người nói biết bạn đang lắng nghe những gì họ nói bằng cách sử dụng những từ đệm như à, ừ,…Đồng thời, những hành động nhỏ như gật gù khi tán thành một chi tiết của câu chuyện, hoặc chỉ đơn giản là duy trì ánh mắt và nụ cười với họ, cũng là một cách để thể hiện phép lịch sự và sự tôn trọng với người đối diện. Tuy chỉ là những kĩ năng cơ bản, nhưng chính các hành động “biết nói” này sẽ giúp người nói cảm nhận được rằng bạn vẫn dành sự tập trung cho họ.
Gác điện thoại sang một bên
Một mặt, bạn sẽ khó có thể hiểu được toàn bộ nội dung câu chuyện khi bạn bị xao nhãng liên tục bởi những tin nhắn và các mạng xã hội. Mặt khác, nếu đặt bạn vào vị trí của người nói, bạn nghĩ gì khi tốn bao nhiêu công sức giải thích vấn đề mà các thành viên trong nhóm cứ chăm chú nhìn vào chiếc điện thoại của họ? Vì vậy, đừng nên làm những gì mà bạn không muốn người khác làm với mình; hãy tạm ngưng sử dụng chiếc điện thoại và dành trọn thời gian lẫn tâm trí vào cuộc đối thoại nhé.
Phản hồi lại những gì được nghe
Nếu không hiểu hoặc chưa rõ chi tiết nào, bạn nên ghi nhớ lại trong đầu hoăc ghi chú lại để chọn thời điểm đặt câu hỏi thích hợp. Điều này sẽ giúp bạn hiểu vai trò của mình và cũng để mọi người trong nhóm tin tưởng bạn đã nắm công việc được giao. Tránh cắt ngang lời các thành viên khác vì khi làm như vậy bạn vừa gây ảnh hưởng tới luồng suy nghĩ của họ, vừa vô tình thể hiện mình là người thiếu những kĩ năng mềm cơ bản.
Đánh giá chân thành khi làm việc nhóm
Và sau cùng, sau khi đã lắng nghe những gì người đối diện muốn truyền đạt, đừng vội đánh giá câu chuyện hay đề xuất của họ là tốt hay không tốt. Hãy nhớ rằng dù là nhóm học tập hay làm việc đi chăng nữa, không có ý tưởng nào là hoàn hảo ngay từ lần trình bày đầu tiên. Sự góp ý thẳng thắn, chân thành của bạn chính là kĩ năng quan trọng nhất trong việc đem lại sự thành công cho cả nhóm.
Mary Lou Casey từng nói: “Điều mà con người thực sự cần là được lắng nghe thực sự”. Vào bất kỳ thời điểm nào. Dù chúng ta làm nghề gì, trong cương vị như thế nào đi nữa thì kỹ năng lắng nghe là tiêu chí vô cùng quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho chúng ta.
Leave a Reply